Ắc quy là nguồn điện hoá, sức điện động của ắc quy phụ thuộc vào vật liệu cấu tạo bản cực và chất điện phân. Với ắc quy chì axít sức điện động của một ắc quy đơn là 2,1V. Muốn tăng khả năng dự trữ năng lượng của ắc quy người ta phải tăng số lượng các cặp bản cực dương và âm trong mỗi ắc quy đơn.
Để tăng giá trị sức điện động của nguồn người ta ghép nối nhiều ắc quy đơn thành một bình ắc quy. Bình ắc quy được làm từ số những tế bào (cell) đặt trong một vỏ bọc bằng nhựa cứng. Những đơn vị cơ bản của mỗi tế bào là những bản cực dương và bản cực âm. Những bản cực này có những vật liệu hoạt hoá nằm trong các tấm lưới phẳng. Bản cực âm là chì xốp sau khi nạp có mầu xám. Bản cực dương sau khi nạp là PbO2 có màu nâu.
Cấu trúc của một ắc quy đơn gồm có: phân khối bản cực dương, phân khối bản cực âm, các tấm ngăn. Phân khối bản cực do các bản cực cùng tên ghép lại với nhau. Cấu tạo của một bản cực trong ắc quy gồm có phần khung xương và chất tác dụng trát lên nó. Khung xương của bản cực dương và âm có cấu tạo giống nhau. Chúng được đúc từ chì có pha thêm ( 5 ÷ 8% ) Sb và tạo hình dạng mặt lưới. Phụ gia Sb thêm vào chì sẽ làm tăng thêm độ dẫn điện và cải thiện tính đúc.
Trong thành phần của chất tác dụng còn có thêm khoảng 3% chất nở (các muối hữu cơ) để tăng độ xốp, độ bền của lớp chất tác dụng. Nhờ tăng độ xốp, dung dịch điện phân dễ thấm sâu vào trong lòng bản cực, đồng thời diện tích thực tế tham gia phản ứng hoá học của các bản cực cũng được tăng thêm.
`Phần đầu mỗi bản cực có vấu, các bản cực dương của mỗi ắc quy đơn được hàn với nhau tạo thành phân khối bản cực dương. Các bản cực âm hàn với nhau tạo thành phân khối bản cực âm. Số lượng các cặp bản cực trong mỗi ắc quy đơn thường từ 5 đến 8 cặp.
Bề dầy tấm bản cực dương của các ắc quy trước đây thường khoảng 2mm. Ngày nay với các công nghệ tiên tiến đã giảm xuống còn ( 1,3 ÷ 1,5 ) mm. Bản cực âm thường mỏng hơn ( 0,2 ÷ 0,3 ) mm. Số bản cực âm trong ắc quy đơn nhiều hơn số bản cực dương một bản nhằm tận dụng triệt để diện tích tham gia phản ứng của các bản cực dương, do đó bản cực âm nằm ra bên ngoài nhóm bản cực.
Tấm ngăn được bố trí giữa bản cực âm và bản cực dương là một tấm ngăn xốp có tác dụng ngăn cách và tránh va đập giữa các bản cực. Những tấm ngăn xốp cho phép dung dịch chất điện phân đi quanh các bản cực vì trên bề mặt của nó có lỗ. Tấm ngăn làm bằng vật liệu pôliclovinyl có bề dầy ( 0,8 ÷ 1,2 ) mm và có dạng lượn sóng. Một bộ những sắp xếp như vậy gọi là một phần tử.
Sau khi đã sắp xếp một bộ phận như trên, nó được đặt vào một ngăn trong vỏ bình ắc quy. Ở bình ắc quy có nắp đậy mềm, các nắp đậy tế bào được đặt lên sau đó những phiến nối được hàn vào để nối các cực liên tiếp của tế bào. Trong cách nối này các tế bào được nối liên tiếp. Cuối cùng nắp đậy bình ắc quy được hàn vào. Bình ắc quy có nắp đậy cứng , có một nắp đậy chung làm giảm được sự ăn mòn trên vỏ bình. Những bình ắc quy này có bản nối cực đi xuyên qua tấm ngăn cách từng tế bào. Tấm ngăn cách không cho dung dịch điện phân qua lại các tế bào. Điều này làm bình ắc quy vận hành tốt hơn vì bàn nối ngắn và được đậy kín. Đầu nối chính của ắc quy là cọc dương và cọc âm. Cọc dương lớn hơn cọc âm để tránh nhầm điện cực.
Người ta thường nối dây mầu đỏ với cực dương và dây màu đen với cực âm. Dây cực âm được nối với lốc máy hay bộ phận kim loại. Dây cực dương được nối với bộ phận khởi động. Nắp thông hơi được đặt trên nắp mỗi tế bào. Những nắp này có hai mục đích:
- Để đậy kín tế bào ắc quy, khi cần kiểm tra nước hay cho thêm nước thì ta sẽ mở nắp đậy này.
- Khi nạp bình người ta cũng mở nắp đậy để chất khí hình thành có lối thoát ra. Mỗi tế bào ắc quy có điện thế khoảng 2 vôn. Ắc quy 6V có 3 tế bào mắc nối tiếp. Ắc quy 12V có 6 tế bào mắc nối tiếp. Muốn có điện thế cao hơn người ta mắc nối tiếp các bình ắc quy với nhau. Hai ắc quy 12V mắc nối tiếp sẽ tạo ra một hệ thống 24V.
Nồng độ dung dịch điện phân H2SO4 là γ = 1,1÷ 1,3 g/cm3. Nồng độ dung dịch điện phân có ảnh hưởng lớn đến sức điện động của ắc quy.